Xin ông cho biết ý nghĩa của việc sử dụng CKS trong thủ tục hải quan điện tử (TTHQĐT)?
Việc sử dụng CKS được Chính phủ quy định tại Nghị định 26/2007/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về CKS và dịch vụ chứng thực CKS; Nghị định 27/2007/NĐ-CP về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính; Nghị định 87/2012/NĐ-CP về thực hiện TTHQĐT.
Do đó, việc sử dụng CKS trong TTHQĐT là thực hiện đúng quy định của Chính phủ. Đồng thời việc sử dụng CKS cũng tăng tính xác thực, chống chối bỏ trong thực hiện TTHQĐT, qua đó nâng cao an ninh, an toàn trong giao dịch giữa DN với cơ quan Hải quan trong môi trường điện tử.
Với hoạt động Hải quan, điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng khi TTHQĐT đã được thực hiện chính thức trong phạm vi cả nước từ ngày 1-1-2013 và sắp tới ngành Hải quan sẽ vận hành thử nghiệm và chuẩn bị áp dụng chính thức Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS.
Ngày 18-9-2013, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định 2341/QĐ-BTC về lộ trình áp dụng CKS. Từ 1-11-2013, CKS được áp dụng chính thức trong TTHQĐT và sử dụng cả trong quá trình vận hành thử nghiệm VNACCS/VCIS.
Cơ quan Hải quan đã có sự chuẩn bị như thế nào để việc áp dụng CKS đúng lộ trình?
Tổng cục Hải quan đã làm việc với các DN cung cấp dịch vụ CKS công cộng được cấp phép hiện nay ở Việt Nam để đảm bảo CKS của tất cả các DN này kết nối được với hệ thống của cơ quan Hải quan.
Việc áp dụng CKS cũng được tích hợp vào phần mềm ứng dụng và hệ thống xử lí của cơ quan Hải quan. Đặc biệt, Tổng cục Hải quan đã hoàn thành việc nâng cấp phần mềm để phục vụ việc triển khai CKS theo quyết định của Bộ Tài chính.
Trong giai đoạn 2010-2012, ngành Hải quan đã thực hiện thí điểm ứng dụng CKS trong TTHQĐT. Tổng số DN tham gia trong quá trình thí điểm 893 DN; số đơn vị hải quan thực hiện 18 Cục Hải quan địa phương, với 69 Chi cục trực thuộc. Tổng số CKS đã đăng kí và sử dụng để thực hiện TTHQĐT 1.535; tổng số giao dịch gần 1,163 triệu lượt. |
Tuy nhiên, để thực hiện CKS trong TTHQĐT và VNACCS/VCIS đúng lộ trình, đạt hiệu quả ngoài nỗ lực của cơ quan Hải quan rất cần sự hợp tác, quyết tâm của cộng đồng DN, đây vừa là trách nhiệm, nghĩa vụ và cũng là lợi ích thiết thực đối với DN.
Thưa ông, để sử dụng CKS trong TTHQĐT, doanh nghiệp cần phải làm gì?
Từ nay đến thời điểm áp dụng chính thức không còn nhiều, trước tiên DN cần chủ động, nhanh chóng đăng kí CKS với các nhà cung cấp dịch vụ CKS công cộng. Sau khi đăng kí và được cấp CKS, DN sẽ đăng kí CKS đã được cấp với cơ quan Hải quan thông qua Công thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan www.customs.gov.vn để sử dụng trong thực hiện TTHQĐT. Việc đăng kí với cơ quan Hải quan hoàn toàn miễn phí.
Việc DN nhanh chóng, chủ động đăng kí CKS và sử dụng thành thạo trước khi áp dụng chính thức sẽ hạn chế được được các sai sót trong quá trình thực hiện.
Những DN đã sử dụng CKS để giao dịch đối với cơ quan quản lí nhà nước khác, ví dụ như cơ quan Thuế, cũng hoàn toàn sử dụng được CKS này để giao dịch với cơ quan Hải quan nhằm tiết kiệm chi phí vì không phải đăng kí thêm CKS mới với nhà cung cấp dịch vụ chứng thực CKS.
Các DN có thể tùy ý lựa chọn CKS của bất kì nhà cung cấp nào được phép hoạt động ở Việt Nam, bởi hệ thống xử lí của cơ quan Hải quan tiếp nhận được CKS của tất cả các nhà cung cấp hiện nay ở nước ta như đề cập ở trên.
Xin cảm ơn ông!
Thái Bình (thực hiện)